2 cựu thiếu tướng công an, 14 cán bộ thanh tra, giám sát của Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước… bị khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng.

Ủy ban Tư pháp mới đây có báo cáo thẩm tra gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

2 cựu thiếu tướng cùng hàng loạt cán bộ thanh tra bị khởi tố vì tham nhũng - Ảnh 1.

Kit test Việt Á là một trong những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng bị xử lý trong thời gian qua

T.H

Tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng
Báo cáo thẩm tra đề cập tới hàng loạt vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn bị xử lý trong thời gian qua, như: vụ Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (gọi tắt là Công ty AIC), vụ “chuyến bay giải cứu”, vụ kit test Việt Á, vụ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát…

Nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực, “tham nhũng vặt” có tính hệ thống, tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương bị triệt phá. Điển hình như vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) và trung tâm đăng kiểm tại các địa phương, vụ Công ty Trung Hậu ở An Giang…

Một số vụ tham nhũng xảy ra rất lâu từ trước đây cũng đã được khám phá, khởi tố, điều tra, như vụ án khai thác trái phép hàng triệu tấn quặng apatit ở Lào Cai, vụ án xảy ra tại dự án Tân Việt Phát 2 (Bình Thuận)…

Đặc biệt, nhiều đối tượng là lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bị khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng. Trong đó, có 2 thiếu tướng công an đã nghỉ hưu, 14 cán bộ thanh tra, giám sát của Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia…

Theo Ủy ban Tư pháp, bên cạnh những kết quả đạt được, tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp.

Tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều; nổi lên là các sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, y tế, giáo dục, quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, trái phiếu…

Đáng lo ngại, tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.

2 cựu thiếu tướng cùng hàng loạt cán bộ thanh tra bị khởi tố vì tham nhũng - Ảnh 2.

Xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là nội dung được chú trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng
C.H

Xác minh tài sản hơn 13.000 người, chỉ 54 trường hợp bị kỷ luật

Báo cáo thẩm tra còn dẫn số liệu của Chính phủ, cho thấy từ 1.10.2022 – 31.7.2023 đã có 60.458 người kê khai tài sản, thu nhập lần đầu; 545.535 người kê khai tài sản, thu nhập hàng năm; 44.015 người kê khai tài sản, thu nhập bổ sung; 161.928 người kê khai tài sản, thu nhập phục vụ công tác cán bộ.

Qua xác minh đối với 13.093 người, cơ quan chức năng xác định có 2.664 trường hợp vi phạm, sai sót (kê khai sai mẫu, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn…).

Đặc biệt, 54 người bị xử lý kỷ luật do kê khai không trung thực, gồm cả lãnh đạo quản lý cấp cao ở địa phương. Điển hình là trường hợp ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, bị cách hết chức vụ trong Đảng do giải trình nguồn gốc tài sản không trung thực.

Ủy ban Tư pháp ghi nhận công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã đạt những kết quả bước đầu. Dù vậy, việc này vẫn còn nhiều hạn chế.

Đơn cử, số lượng vi phạm bị phát hiện nhiều, nhưng chủ yếu xuất phát từ khâu tổ chức triển khai. Các trường hợp kê khai không trung thực bị xử lý còn chưa tương xứng tình hình thực tế.

Cơ quan thẩm tra dẫn chứng trong số 13.093 người được xác minh thì có 54 trường hợp bị kỷ luật; trong khi đó qua giám sát, dư luận và cử tri đều cho thấy tình trạng vi phạm kê khai tài sản, thu nhập diễn ra còn nhiều.

Chấn chỉnh ngay biểu hiện đùn đẩy, sợ sai không dám làm

Ủy ban Tư pháp kiến nghị Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu…; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Qua kết quả điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực (như vụ “chuyến bay giải cứu”, Công ty AIC, đăng kiểm…), Ủy ban Tư pháp đề nghị đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự.