Mức hưởng lương hưu cao nhất của giáo viên sau cải cách tiền lương

Lương hưu của giáo viên thay đổi như thế nào sau cải cách tiền lương?

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1958, ở Quảng Nam chia sẻ, năm 1980, cô tốt nghiệp và chính thức trở thành giáo viên dạy Văn của Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Từ năm 2013, cô Thái nghỉ hưu nhận mức lương 7,3 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, cô Thái cho biết bạn học của cô đang được nhận hơn 8 triệu đồng tiền lương hưu.

Dự kiến tiền lương thấp nhất của giáo viên từ 1/7/2024

Sau cải cách tiền lương, cô Thái mong muốn tiền lương hưu của mình được cải thiện cao hơn.

Trao đổi với PV về lương hưu của giáo viên có thay đổi sau cải cách tiền lương hay không, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết, theo Nghị định 115/2015/NĐ-CP, lương hưu đối với người nghỉ hưu tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Khi cải cách tiền lương, công thức tính này cũng sẽ không thay đổi.

Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu, người lao động còn được hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%. Cứ một năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn sẽ bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Nếu người tham gia bảo hiểm xã hội nghỉ hưu sau thời điểm cải cách tiền lương và trước đó đã được hưởng mức lương mới thì khi nghỉ hưu, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người đó cũng sẽ tăng.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2022, cả nước đã giải quyết gần 763.000 người hưởng lương hưu (trung bình mỗi năm giải quyết đối với khoảng 109.000 người). Trong đó, có khoảng 420.000 người đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, chiếm tỷ lệ 55,2% số người được giải quyết hưởng chế độ hưu trí.

Hiện cơ quan Bảo hiểm xã hội đang thực hiện chi trả cho khoảng 2,7 triệu người hưởng lương hưu. Trong tổng số người hưởng này, phần lớn có mức hưởng từ 3 triệu đồng/tháng đến dưới 7 triệu đồng/tháng với gần 1,9 triệu người (chiếm 68,3% tổng số người hưởng lương hưu trên cả nước). Người đang được hưởng lương hưu cao nhất cả nước là hơn 120 triệu đồng/tháng.