Đề xuất cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho giáo viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) lấy ý kiến mới đây đang nhận về nhiều tranh luận trái chiều. Trong đó đa số ý kiến phản đối và cho rằng, quy định là không cần thiết, tạo thêm gánh nặng và áp lực cho nhà giáo.

Nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệpBộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến, đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Ảnh: Trang Hà
Không thật sự cần thiết

Tiếp nhận thông tin này, cô Nguyễn Phương Mai – giáo viên Trường THPT Tứ Kỳ (Hải Dương) – bày tỏ sự khó hiểu và cảm thấy yêu cầu giáo viên phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp là không phù hợp.

Theo nữ giáo viên, bằng tốt nghiệp sư phạm do các trường đào tạo cấp cho giáo viên đã là một “giấy chứng nhận nghề nghiệp”.
Bên cạnh đó, trong quá trình học tập và công tác, giáo viên cũng phải học thêm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, như vậy đã đủ chứng minh năng lực của giáo viên.


Đồng quan điểm, nhiều giáo viên cũng thẳng thắn bày tỏ sự không đồng tình với quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Họ cho rằng, trước khi ra trường đi dạy, giáo viên đã được đào tạo đạt chuẩn nên việc cấp thêm giấy chứng nhận là điều không cần thiết. Hơn nữa, việc thêm giấy chứng nhận rất dễ gây khó khăn cho giáo viên, có nguy cơ xuất hiện tiêu cực, tạo thêm áp lực, gánh nặng vô hình.

Cô Trần Hoài Bắc – giáo viên bậc THCS ở Nghệ An – bày tỏ sự bối rối, hoang mang và cho rằng, đề xuất này gây mất thời gian, tạo thêm áp lực cho nhà giáo.

“Giáo viên không phải là ngành nghề nhàn hạ, công việc thường xuyên phải đi sớm về muộn, tối còn phải tất bật chuẩn bị hồ sơ bài giảng cho ngày hôm sau. Bao nhiêu công việc ngổn ngang cần làm khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên chúng tôi vừa phải nghiên cứu sách mới vừa phải tìm tòi thay đổi phương pháp dạy hiệu quả. Bây giờ còn phải chạy theo các yêu cầu tiêu chí để xét đạt chứng nhận nghề nghiệp, điều này rất áp lực cho giáo viên” – Cô Bắc bộc bạch.

Giáo viên không phải là “thợ dạy”

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương – chuyên gia giáo dục – cho rằng, công nhận chứng chỉ nghề nghiệp sẽ đánh giá được kiến thức chuyên môn của giáo viên, nhưng nghề giáo là ngành nghề cần sự giao lưu tiếp xúc giữa người với người và không nên chỉ đào tạo ra những người “thợ dạy”.

“Nghề giáo khác với các ngành nghề mang tính đặc thù như luật sư, kỹ sư thiết kế, xây dựng… Họ có thể hành nghề độc lập nên cần có chứng chỉ hành nghề để chứng minh trình độ năng lực làm việc. Nhưng một người giáo viên tốt phải đáp ứng nghiệp vụ sư phạm – tổng thể những kiến thức, kỹ năng giảng dạy, xử lý tình huống tối thiểu. Và một tờ giấy chứng nhận không thể nào đánh giá hết được những điều này.

Hơn nữa, việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho giáo viên cũng vô tình lại gây thêm khó khăn cho sinh viên mới ra trường khi đi xin việc làm, họ sẽ phải gồng mình trước những tiêu chí xét đạt chứng nhận” – TS Hương nói.

Theo chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương, nên để các cơ sở giáo dục tự đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên như hiện nay. Đồng thời, cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ về trình độ chuyên môn cho từng cấp học, từng phân môn, bộ môn.

Đặc biệt, cần tổ chức việc xét tuyển, tuyển dụng nghiêm túc, chặt chẽ để chọn ra đội ngũ giáo viên có đủ phẩm chất, năng lực, đảm bảo chất lượng giảng dạy thay vì phải phát sinh thêm chứng nhận nghề nghiệp gây tốn kém và không thực sự cần thiết.