Theo các chuyên gia về thẻ tại ngân hàng thương mại, rất khó để tính ra con số nợ 8,8 tỷ từ khoản vay thẻ tín dụng 8,5 triệu sau 11 năm, ngay cả với mức lãi suất trả nợ quá hạn là 33%/năm như biểu phí đăng trên website của ngân hàng này.

Vụ vay thẻ Eximbank 8,5 triệu thành nợ 8,8 tỷ đồng: Thanh tra vào cuộc - 1

“Eximbank dường như đang tính nợ thẻ theo phương pháp lãi chồng lãi. Tức là khoản nợ quá hạn cứ đến tháng, cả tiền nợ gốc, cộng lãi, cõng thêm cả tiền phạt, tiền phí, sẽ tiếp tục bị đem ra tính lãi”, lãnh đạo một Trung tâm thẻ của 1 ngân hàng lớn chia sẻ với phóng viên VTV Digital.

Vị này nói thêm, hầu như rất hiếm ngân hàng tính nợ thẻ theo phương pháp này. Trường hợp khoản nợ thẻ tín dụng đã bị chuyển sang nợ quá hạn, các ngân hàng sẽ khoanh nợ sau khi tính cả gốc, lãi, và tiền phạt.
Ví dụ như món nợ 8,5 triệu sau khi cộng lãi, phạt, sẽ thành khoảng 10 triệu. Và dù có sau 10 hay 11 năm, thì tiền lãi sẽ tính trên con số gốc 10 triệu này, tức là cũng chỉ dừng ở mức 60 triệu đồng, để không tạo áp lực nợ không thể trả với khách hàng.

Trước đó chia sẻ với báo chí, vị khách hàng tên A. khẳng định bản thân có mở thẻ nhưng không nhận được thẻ cũng như không biết sự tồn tại của thẻ. Cụ thể sau khi ký xong hợp đồng, nhân viên nói rằng mức lương của người này thấp, nên không đủ tiêu chuẩn để mở thẻ tín dụng hạn mức 10 triệu đồng. Ông A. cho biết, nhân viên ngân hàng nói sẽ xin “sếp” sau.
Tuy vậy, bẵng đi một thời gian, người này không liên lạc lại nên ông A. vẫn nghĩ là mình không được làm thẻ. Đến tận gần 5 năm sau, khi có nhu cầu vay vốn mới biết mình bị nợ xấu. Hai bên đã làm việc nhưng không tìm được tiếng nói chung.

Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Quảng Ninh đã có yêu cầu Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) chi nhánh Quảng Ninh có văn bản báo cáo về sự này. Hiện Eximbank Quảng Ninh đang chờ phía Hội sở của Eximbank tại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ các thông tin liên quan đến khách hàng trên cũng như quá trình phát sinh dư nợ để tổng hợp báo cáo.